Ngay từ những ngày đầu nhận được thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, trường THPT năng khiếu đại học Tân Tạo đã nhanh chóng tiến hành chuyển từ hình thức giảng dạy truyền thống sang mô hình lớp học trực tuyến. Dù vậy, trên thực tế thì hầu hết các trường đều gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là các trường phổ thông. Bởi phương pháp này đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ phía các bậc phụ huynh và ý thức cao hơn của mỗi học sinh, chứ không đơn thuần chỉ là “trách nhiệm đơn chiều” của giáo viên. Và chúng tôi, cán bộ, giáo viên trường THPT năng khiếu đại học Tân Tạo, đặt việc học tập của học sinh lên trên mọi trở ngại.
Vượt ra khỏi giới hạn về khoảng cách, cũng như vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Ban Lãnh đạo cùng các Thầy/Cô giáo của trường đã cùng nhau ngồi lại, trải qua những cuộc họp mặt, trao đổi trực tuyến để nhanh chóng tìm ra giải pháp, nhằm phát huy tối đa các ưu điểm, hạn chế những nhược điểm từ mô hình giảng dạy trực tuyến mang lại.
Sự thiết yếu của các lớp học “phi truyền thống”
“Có thể tổ chức mọi lúc, mọi nơi. Đa dạng hoá các nguồn tài liệu chia sẻ vì làm việc ngay trên không gian mạng. Về nội dung và phương pháp dạy học online không có sự khác biệt lớn với cách dạy học truyền thống. Ngoài những mục tiêu đạt được theo cách dạy thông thường, thì dạy học online còn rèn cho các em kỹ năng sử dụng công nghệ mới và tính độc lập tự chủ, ý thức cao về cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập”, theo chia sẻ của Thầy Trần Bình Hòa – Giáo viên Sinh học TTS.
Có thể nói việc dạy – học online trong thời điểm này là phù hợp nhất! Ngoài sự linh động, phát triển nhiều kỹ năng mới cho cả giáo viên và học sinh, việc triển khai mô hình lớp học phi truyền thống cũng mang lại khá nhiều sự khác biệt so với thời điểm trước đây. Theo góc nhìn của Thầy Trần Thanh Nhựt – Bộ môn Giáo dục công dân cho rằng: “Việc tìm hiểu về những công cụ hỗ trợ để giảng dạy online cũng là điều thú vị, chia sẻ khối lượng kiến thức lớn hơn trên internet dễ dàng đến được học sinh sau một click nhấp chuột. Dĩ nhiên, ở bậc THPT, về hiệu quả giáo dục thì không thể nào bằng nếu so với lớp học truyền thống. Tuy nhiên, nó cũng có những giá trị nhất định, chẳng hạn như khi giai đoạn dịch Covid-19 qua đi thì các công cụ hỗ trợ này sẽ được duy trì và sử dụng, nó giúp ích rất nhiều trong việc giảng dạy của giáo viên.”
Vậy, trong quá trình giảng dạy các giáo viên sẽ gặp phải những khó khăn nào?
Qủa thật, để khẳng định học trực tuyến không hiệu quả, thì không hẳn là đúng! Nhưng nếu nhận định rằng phương pháp này nhiều ưu điểm hơn hình thức giảng dạy truyền thống, cũng phải tùy hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, chính vì có nhiều sự khác biệt trong sự thay đổi này, đã xảy ra nhiều vấn đề trong quá trình giảng dạy.
- Giáo viên sẽ phải điều chỉnh lại về mặt nội dung bài giảng theo hướng thời sự hơn, tăng tính thực hành, làm sao tạo tính hứng thú của các em đối với tiết học, thay vì nhiều lý thuyết sẽ đưa nhiều câu hỏi tương tác hơn, lồng ghép hình ảnh/video nhiều hơn là chữ…
- Kiểm soát lớp học sát sao hơn vì các em rất mau rơi vào trạng thái mất tập trung và phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài.
- Ngoài ra, giáo viên sẽ phải chuẩn bị tâm lý được lên “sóng” bất cứ lúc nào, vì vậy bất cứ lời nói cử chỉ hay trang phục đều phải có sự chuẩn bị chu đáo. Nói chung luôn sẵn nụ cười trên môi mà không có bất cứ sự mất kiểm soát nào.
- Quan trọng hơn hết là về vấn đề kiểm tra & đánh giá, cũng cần phải đổi mới cho phù hợp.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo khi chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, Trường đã làm những gì?
Ngay khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đội ngũ IT đã nhanh chóng hỗ trợ và đào tạo cán bộ, công nhân viên, giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo chương trình Microsoft Teams để phục vụ công tác giảng dạy trực tuyến. Với tất cả 3 khối lớp và học sinh đều được học online và hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến, trường THPT năng khiếu đại học Tân Tạo đã và đang tiến hành chương trình học trực tuyến nhằm đảm bảo quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn.
Thầy Nguyễn Trung Giang – Giáo viên dạy môn Hoá học TTS chia sẻ rằng: “Điều đầu tiên mà tôi gặp khó khăn là bước đầu làm quen với việc dạy online trên phần mềm Microsoft Teams. Thứ hai là cách quản lý và cuốn hút học sinh chỉ chú tâm vào bài giảng của mình mà không làm việc riêng. Tuy nhiên sau khi được tập huấn cách sử dụng và cách dạy để cuốn hút học sinh từ Ban Giám hiệu, tôi cũng đã phần nào yên tâm hơn. Sau một vài tiết dạy thì những khó khăn dường như không còn đáng ngại nữa. Tôi nhận ra muốn dạy tốt thì phải tương tác với học sinh mình nhiều hơn, làm cho học sinh thấy cảm giác được thầy cô quan tâm và bất cứ lúc nào cũng có thể “bị gọi” để trả lời câu hỏi.”
Trải qua tình trạng tương tự như các Thầy, Cô khác trong quá trình “tập làm quen” với những công cụ hỗ trợ, như phải canh chỉnh thời gian cho các form kiểm tra, hay cài đặt chế độ điểm danh online. “Tuy nhiên, nhờ việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên đã giúp tôi khắc phục tình trạng này. Tôi tin rằng, dạy học online không chỉ là một biện pháp tạm thời trong giai đoạn thử thách này mà phương pháp ấy vẫn tiếp tục phát triển để hỗ trợ việc dạy và học ở những đối tượng gặp khó khăn về không gian và thời gian.” – Cô Võ Thị Ngọc Thành – Giáo viên Sinh học TTS chia sẻ.
Thực sự, đối với các giáo viên, việc chuyển đổi sang các lớp học “phi truyền thống” sẽ có những ảnh hưởng nhất định, sẽ có khó khăn, sẽ có thuận lợi… Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ kịp thời từ Ban Giám hiệu, tất cả giáo viên của trường nay đã sử dụng thành thạo phần mềm giảng dạy, kiểm soát tốt lớp học trong thời điểm hiện tại.
Dù khó khăn vẫn đang trước mắt, nhưng hi vọng rằng, với sự nỗ lực từ phía nhà trường, sự tận tâm của giáo viên trường THPT năng khiếu đại học Tân Tạo, chúng tôi sẽ mang đến cho học sinh TTS những buổi học “chất lượng” nhất.